Trải nghiệm du lịch Sóc Trăng
        Sóc Trăng hiện có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh, 4 điểm du lịch và hàng trăm cơ sở thờ tự, tín ngưỡng của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; là tỉnh đồng bằng ven biển với 72 km bờ biển, 50 km chiều dài của sông Hậu. Dọc bãi biển là những dãy cù lao xanh, vườn trái cây và hệ thống sông rạch chằng chịt. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị hữu quan khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nhất là thế mạnh về du lịch tâm linh, văn hoá - lễ hội và du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách đến với Sóc Trăng.

        Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (gọi tắt là Khu di tích) có tổng diện tích 310 ha, nằm trong rừng tràm ấp An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 30 km về phía Tây Nam. Rừng tràm Mỹ Phước là địa danh lịch sử và còn là cơ quan đầu não của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hàng năm, nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu, học tập; bởi nơi đây không khí trong lành, mát mẽ, yên tĩnh. Thời gian gần đây, Khu di tích đã được trùng tu, phục dựng thêm một số hạng mục công trình như: Văn phòng Tỉnh ủy, trạm giao liên, ban cơ yếu, ban tài chính, trồng cây gây rừng… tạo cảnh quan môi trường thông thoáng sẵn sàng đón tiếp, phục vụ nhân dân, du khách khi đến thưởng ngoạn. 


      Năm 2013, Chính phủ quyết định nâng Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo lên tầm quốc gia và tổ chức Festival Đua ghe Ngo đầu tiên ở Sóc Trăng, thời gian tổ chức 2 năm một lần; năm 2015, gọi là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo (không dùng từ Festival) khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội với nhiều hoạt động hấp dẫn: Liên hoan ẩm thực đường phố, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Khmer, Lễ cúng Trăng (Oóc Om Bóc), Hội thi Lôi Protip (Thả đèn nước) và phục dựng ghe Cà Hâu của đồng bào Khmer Sóc Trăng… Đặc biệt, giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực ĐBSCL năm nay diễn ra trong 02 ngày 10 và 11/11/2019, quy tụ hàng ngàn vận động viên thuộc 59 đội ghe Ngo đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng; trong đó có 12 ghe Ngo nữ, 10 đội ghe tỉnh bạn, 37 ghe của Sóc Trăng, tranh tài cự theo li 1.000 mét nữ và 1.200 mét nam trên dòng sông Maspero thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đây là môn thể thao “vua” của Sóc Trăng, bởi lúc thi đấu có hàng vạn khán giả trong và ngoài nước đến dự khán và tham gia cổ vũ ở hai bên bờ sông, không khí nơi đây tưng bừng, náo nhiệt; thời gian diễn ra Lễ hội, tại thành phố Sóc Trăng các dịch vụ ăn uống, giải khát, dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú nhộn nhịp hẳn lên, tạo nên sắc màu rực rỡ và sức sống mới cho tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.


          Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa tồn tại hàng trăm năm mà lâu nay du khách trong và ngoài nước đã biết đến như: Chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Cro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Quan Âm Linh Ứng, tọa lạc tại phường 8, thành phố Sóc Trăng, với diện tích hơn 10 ha, được khởi công xây dựng vào năm 2011, bao bồm nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa với nhiều tác phẩm dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống, lịch sử đi vào lòng người như: Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, sự tích trầu cau, phú ông và thằng bờm, Thạch Sanh chém chằn, nhiều câu chuyện cổ tích dân gian khác và hình tượng các anh hùng dân tộc… Ngoài ra còn có hàng trăm tượng phật lớn nhỏ với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, bắt mắt.


          Ngoài di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc các ngôi chùa, Sóc Trăng còn có nhiều lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương, trong đó có Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Thắc Côn, Lễ hội Phước Biển… và Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn hàng năm được tổ chức vào 04 và 05/5/âm lịch, tại Cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Quy mô ngày hội gồm nhiều gian hàng trưng bày trái cây đủ các chủng loại: Chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, mít... và hội thi trái cây ngon; chương trình văn nghệ giao lưu giữa các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh với nhiều tiết mục phong phú phục vụ nhân dân địa phương và du khách. Tại ngày hội còn diễn ra các môn thể thao bóng chuyền bãi biển nữ, đua thuyền Rồng, các trò chơi dân gian: Bịt mắt bắt vịt, bắt cá dưới ao, bịt mắt đập nồi, “Đá bóng vào cầu môn”, thu hút đông đảo thanh thiếu niên và khách tham quan du lịch tham gia trải nghiệm. Ngoài ra còn có Liên hoan ẩm thực và Hội thi bánh dân gian với nhiều đơn vị trong tỉnh cùng tranh tài.


         Trải nghiệm với vùng sông nước miền Tây, du khách hãy đến Chợ nổi Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Hàng ngày, khoảng từ 3 - 4 giờ sáng tại Chợ nổi Ngã Năm diễn ra việc trao đổi hàng hóa, mua bán trên sông, người mua và bán dùng thuyền, ghe để di chuyển qua lại, đến khoảng 7 hoặc 8 giờ thì việc mua bán thưa đi. Hiện nay, cảnh chợ nổi nhộn nhịp trên sông gần như suốt ngày. Du khách có dịp đến Chợ nổi Ngã Năm sẽ chứng kiến nhiều hàng hóa bày bán trên sông, trong đó có rau, củ, quả, trái cây, các mặt hàng thủy, hải sản, thực phẩm tươi sống, chế biến… tất cả đều tập trung trên ghe, thuyền và sản phẩm được giới thiệu đến người mua, khách tham quan du lịch bằng hình thức treo lủng lẳng nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm thông qua các cây sào ngang, dọc trên ghe, thuyền. Ngoài những mặt hàng nêu trên Chợ nổi Ngã Năm còn có các món ăn dân dã, đậm chất miền Tây Nam bộ như: Cháo cá lóc, bún nước lèo, hủ tiếu, cơm sườn, bánh canh… và các loại nước uống giải khát- tất cả đã làm nên hương vị miền quê mộc mạc. Hiện Sóc Trăng đang xây dựng Đề án Làng văn hóa - du lịch Chợ nổi Ngã Năm.


Các mặt hàng nông sản tại Chợ nổi Ngã Năm - thị xã Ngã Năm.

         Từ năm 2017 đến nay, tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hình thành bến Tàu cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu). Bên cạnh các tàu cao tốc của Superdong, trong năm 2019 đã khai trương thêm Tàu cao tốc Côn Đảo Express 2 thân hiện đại tiêu chuẩn 5 sao, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, dài 32,68m, chiều rộng 9,6m, chiều cao mạn 2,8m, tổng công suất 2.816 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, sức chở 598 hành khách. Tàu có thể vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thiết kế chống rung, giảm thiểu say sóng, phù hợp với mọi lứa tuổi hành khách. Thời gian hành trình từ Trần Đề đến Côn Đảo khoảng 1 giờ 45 phút. Đây là một trong những dự án du lịch quan trọng của tỉnh, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp, du khách trên mọi miền đất nước. Đối với dịch vụ lưu trú du lịch, toàn tỉnh có tổng số 69 cơ sở lưu trú gồm 01 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 36 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với tổng số phòng gần 1.400 phòng. Tỉnh có 16 công ty lữ hành nội địa với gần 100 nhân viên phục vụ, thường xuyên xây dựng chương trình tour - tuyến đưa khách tham quan du lịch đi khắp nơi trong cả nước.


         Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng du lịch, trong đó có các dự án đã và đang kêu gọi đầu tư như: Khu Văn hóa tín ngưỡng Hồ Bể - chùa Quan Âm Đông Hải, thị xã Vĩnh Châu; Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, huyện Châu Thành; Thiền viện Trúc Lâm - thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, huyện Cù Lao Dung… Ngoài ra còn có nhiều làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực đặc thù của địa phương phục vụ khách du lịch, nhất là bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, mè láo, củ cải muối, xá pấu ngọt, mắm cá rô không xương, bún nước lèo, bún gỏi dà, bánh cống… Trong đó, bánh pía, bún nước lèo, bánh cống là ba món ăn đã được lọt vào top đặc sản quà bánh nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận vào năm 2013 và 2016.


          Năm 2019, tổng số khách đến Sóc Trăng là 2.400.00 lượt; trong đó khách quốc tế 90.000 lượt; khách lưu trú là 450.000 lượt, khách lưu trú quốc tế là 35.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 1.020 tỷ đồng.


         Với những tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng trên, Sóc Trăng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt hình thành nên những loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch văn hóa tâm linh qua những ngôi chùa, du lịch văn hóa lễ hội gắn với Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch biển... đã và đang thu hút ngày càng đông du khách về Sóc Trăng. Hy vọng trong tương lai, du lịch Sóc Trăng sẽ thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có thêm nhiều dự án, sản phẩm, tour - tuyến du lịch mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

                                                                                      Lữ Giàu

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 88097489

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.