Bước đầu khai thác du lịch tại bãi bồi xã An Thạnh Nam - Cù Lao Dung
      Với ước mơ đem du lịch về phát triển tại quê hương, các bạn trẻ tại xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) đã hình thành ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái và có những bước đầu trong việc xây dựng chuỗi dịch vụ du lịch tại địa phương. 

      Để hiểu rõ hơn về hoạt động của khu du lịch, chúng tôi đã tham gia cùng nhóm học sinh, giáo viên Trường THPT Đoàn Văn Tố (Cù Lao Dung) khám phá bãi bồi xã An Thạnh Nam và có những trải nghiệm thật đặc biệt tại đây.

      Từ TP. Sóc Trăng, chúng tôi đi xe máy qua phà Đại Ân để đến Cù Lao Dung rồi tìm đường về xã An Thạnh Nam. Nhóm Trường THPT Đoàn Văn Tố và các bạn trẻ đã chờ sẵn nơi bến đò từ sớm. Thuyền để chở khách là một chiếc tàu cá được cải tạo lại với sức chứa khoảng 35 người. Xuống thuyền, chúng tôi xuôi theo sông Cồn Tròn ra sông Hậu rồi đổ ra cửa biển Trần Đề.

      Mất khoảng 20 phút đường sông để đến được bãi bồi, đây cũng là dịp để du khách ngắm nhìn quang cảnh rừng ngập mặn dọc 2 bên bờ sông kéo dài hơn chục cây số. Xen giữa là những cụm dừa nước với những buồng dừa sai trĩu quả. Dập dờn những cánh cò trắng muốt bay lượn, thấp thoáng những chú khỉ chuyền cành nơi những cây sát bờ sông…

      Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất bãi bồi ven biển huyện Cù Lao Dung hơn 16.000 ha, trong đó có khoảng 8.000 ha là bãi nghêu (gồm bãi nghêu giống trên 300 ha, nghêu thương phẩm trên 5.000 ha). Khu vực cửa sông và rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy, hải sản nước lợ và nước mặn có giá trị kinh tế. Qua điều tra xác định có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, ngoài ra còn có nhiều loài cua, ghẹ và nhuyễn thể khác. Đến bãi bồi, chúng tôi vẫn chưa dám xuống thuyền dù được người hướng dẫn nói trước là nước rất cạn. Một bạn trong nhóm hướng dẫn nhảy xuống trước, nước chỉ cao hơn đầu gối một tí dù đang trong lúc nước lớn. Nhóm chúng tôi cũng lần lượt nhảy xuống, nước cạn, nền không lún vì bãi bồi xã An Thạnh Nam không phải chỉ là bãi bồi đất bùn mà có tỉ lệ cát bồi khá lớn.


Khách du lịch vui chơi tại bãi bồi xã An Thạnh Nam

      Các em học sinh nhanh chóng nhập cuộc với những trò vận động: Kéo co, bóng chuyền, chuyền người qua đầu, đuổi bắt, thả lưới bắt cá… và dĩ nhiên không thể thiếu trò đùa nghịch ném bùn vào nhau. Nhóm chúng tôi cũng cùng tham gia với các em dù rằng độ tuổi đã quá lứa học trò. Sau một lúc bày trò chơi trên nước và “lội” nơi bãi bồi đã thấm mệt, cả nhóm đi sâu vào khám phá rừng ngập mặn. Quang cảnh thật độc đáo với những cây bần tua tủa rễ mọc ngược, nền cát ánh lên lấp lánh có lẽ bởi chất xà cừ từ vỏ các loài nhuyễn thể bồi đắp. Bãi bồi còn rất hoang sơ và không có rác thải vì sự hiện diện của con người chỉ là thoáng qua. Du khách đến nơi đây cũng được các bạn thanh niên căn dặn không nên xả rác để bảo vệ môi trường lâu dài. 

      Em Lê Hạnh Nguyên - học sinh Trường THPT Đoàn Văn Tố chia sẻ: “Em thấy đi chơi bãi bồi như vậy rất mệt nhưng cũng rất vui. Chúng em có cơ hội để tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập mặn của quê hương mình. Đây cũng là dịp để các thành viên của lớp gắn kết với nhau hơn”. Thầy Diệp Thanh Hiền - Bí thư Đoàn Trường THPT Đoàn Văn Tố cho biết: “Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho các em đi hướng nghiệp kết hợp du lịch hoặc tổ chức những buổi dã ngoại. Đây là đợt đầu tiên chúng tôi phối hợp với Khu du lịch An Nghiệp để đưa học sinh đến bãi bồi này. Chuyến đi ngoài việc cho các em vui chơi, giải trí sau những giờ học trên lớp còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho các em hiểu về môi trường tự nhiên của địa phương và giáo dục bảo vệ môi trường…”. 

      Ngoài sản phẩm du lịch tham quan bãi bồi, Khu du lịch An Nghiệp còn cung cấp dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái và hiện đang xây dựng, thử nghiệm khu dịch vụ vui chơi tại xã An Thạnh 3 với các trò chơi dân gian: Xe đạp vượt cầu, đu tàu dừa, qua cầu khỉ, đi cầu dây, câu cá, bắt cá lóc, đuổi bắt vịt, xúc tép, đua thuyền nan và các trò chơi dân gian khác. Anh Hồng Duy Khanh - người phụ trách của Khu du lịch An Nghiệp cho biết: “Dự án của nhóm ban đầu với mục đích đưa đoàn viên, thanh niên đến khám phá bãi bồi và chăm sóc rừng ngập mặn ven biển, đến nay đã được mở rộng và phục vụ du khách. Sắp tới, chúng tôi còn rất nhiều phần việc phải thực hiện và rất mong nhận được đầu tư từ các cấp, ngành cũng như được hỗ trợ tập huấn về du lịch”. Đồng chí Trần Thị Diễm Hằng - Phó Bí thư Huyện đoàn Cù Lao Dung, trưởng nhóm thực hiện đề án nhận định: “Bãi bồi còn rất nhiều tiềm năng để phục vụ du lịch mà hiện nay nhóm chỉ mới khai thác được khu vực phía ngoài. Nếu có thể phát triển du lịch sẽ tạo được nhiều vị trí việc làm cho đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương”. 

      Khu du lịch An Nghiệp hiện đã hình thành các sản phẩm du lịch rất độc đáo, đặc hữu và có tính thu hút du khách. Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch chuyên nghiệp còn cần rất nhiều sự đầu tư, hướng dẫn từ các cấp, ngành chuyên môn. Nhất là đối với các dịch vụ đưa đón du khách bằng đường thủy và phục vụ vui chơi trên mặt nước cần có các biện pháp đảm bảo an toàn như trang bị áo phao; cắm cọc, chăng dây khu vực an toàn trên bãi bồi; phòng thay đồ, tắm nước sạch trước và sau khi tham quan bãi bồi…
ANH THỤY

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 88097439

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.